Tin nóng
Cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh Một đời thanh bạch, chẳng vàng son
Ngày: 20.05.2024
Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, chói sáng mà không làm ai choáng ngợp, mới gặp lần đầu đã cảm thấy thân thiết từ lâu." Có thể nói, sự giản dị, gần gũi ở Chủ tịch Hồ Chí Minh hiếm có một vị lãnh tụ nào trên thế giới có được.
Sự giản dị của Bác hết sức tự nhiên, không siêu thực mà ở ngay trong lòng dân, trong cuộc sống của nhân dân, do đó ai cũng có thể học tập và làm theo.
Giản dị trong sinh hoạt hằng ngày
Sinh thời, Bác Hồ đã sống cả cuộc đời thanh bạch từ ăn, ở đến phương tiện sử dụng phục vụ công việc hằng ngày. Đức tính khiêm tốn, giản dị của Người đã được nhà thơ Tố Hữu ngợi ca bằng những hình ảnh đầy sáng tạo, độc đáo trong bài thơ "Bác ơi."
“Bác để tình thương cho chúng con
Một đời thanh bạch, chẳng vàng son
Mong manh áo vải hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn”
Càng yêu thương nhân dân, khát vọng đem lại độc lập, tự do và hạnh phúc cho nhân dân, Người càng giản dị, tiết kiệm trong cuộc sống đời thường.
Dù là anh Văn Ba phụ bếp trên tàu Đô đốc Latouche Tréville, là nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc trong những năm tháng ở thủ đô Paris, nước Pháp, hay sau này là một vị nguyên thủ quốc gia sống và làm việc tại Phủ Chủ tịch ở thủ đô Hà Nội, thì cũng vẫn là một Hồ Chí Minh hết sức giản dị và yêu lao động.
 Ngôi nhà sàn nơi Hồ Chủ tịch đã ở và làm việc trong thời gian kháng chiến chống thực dân Pháp ở Việt Bắc. (Ảnh: TTXVN)
Sau 30 năm bôn ba nước ngoài tìm đường cứu nước, cứu dân, trở về Tổ quốc, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng, Người đã sống ở hang Pác Bó (Cao Bằng) trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn nhưng với tinh thần lạc quan cách mạng, như chính Bác đã viết:
“Sáng ra bờ suối, tối vào hang
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang”
("Tức cảnh Pác Bó")
Trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954), Bác và Trung ương Đảng di chuyển lên Việt Bắc, lãnh đạo kháng chiến kiến quốc. Nơi ở của Bác chỉ là một ngôi nhà sàn nhỏ, mái lá đơn sơ.
Ở đâu trên trái đất này có vị lãnh tụ áo nâu quần vải trèo đèo lội suối đi chiến dịch; tự giặt quần áo, vừa đi vừa cầm cây gậy để phơi; vị lãnh tụ tự đánh máy tài liệu, cưỡi ngựa đi chiến dịch, tập thể dục trên rừng Việt Bắc, dạy cán bộ tập võ…
Có lẽ mãi mãi về sau, sẽ khó có những hình ảnh nào có thể làm rung động trái tim con người đến vậy.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp viết chỉ thị ngay trước lều cỏ trên đường đi Chiến dịch Biên giới năm 1950. (Ảnh: TTXVN)
Kháng chiến thắng lợi, trở về thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh không ở trong ngôi nhà toàn quyền cũ vì tự nhủ mình là Chủ tịch một nước nghèo, chưa có quyền hưởng thụ. Bác quyết định chọn cho mình ngôi nhà của một người thợ điện.
Năm 1958, Trung ương quyết định xây nhà cho Bác nhưng Bác đề nghị chỉ nên làm một căn nhà sàn nho nhỏ theo kiểu nhà đồng bào dân tộc ở Việt Bắc, giống như ngôi nhà Người đã từng ở trong những năm kháng chiến.
 
Nhà sàn, nơi Hồ Chủ tịch ở và làm việc trong Phủ Chủ tịch ở Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)
Cảm nhận về ngôi nhà sàn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng viết: “Nhà sàn đơn sơ của Bác vẻn vẹn chỉ có vài ba phòng, trong lúc tâm hồn của Bác lộng gió thời đại thì cái nhà nhỏ đó luôn lộng gió và ánh sáng, phảng phất hương thơm của hoa vườn, một đời sống như vậy thanh bạch và tao nhã biết bao!”
Nhà sàn có 2 tầng với ba phòng nhỏ. Phòng làm việc ở tầng một là nơi Bác thường làm việc với Bộ Chính trị, gặp cán bộ đầu ngành đến báo cáo công việc và là nơi Bác tiếp thân mật một số đoàn khách trong nước và nước ngoài.
Tầng trên có hai phòng nhỏ, là nơi làm việc và nghỉ ngơi của Bác. Mỗi phòng rộng khoảng 10m2, đủ chỗ để kê một chiếc giường, một bàn, ghế, tủ quần áo và giá sách; với những đồ dùng thật đơn sơ, giản dị là tấm chăn đơn, chiếc chiếu cói, cây quạt cọ và máy chữ.
Sau giờ làm việc, Bác thường chăm sóc cây trong vườn, cá dưới ao. Hài hòa với khung cảnh thiên nhiên, nhà sàn của Bác tại Phủ Chủ tịch trở nên hết sức gần gũi và quen thuộc với mọi người dân Việt Nam.
Ngày nay, ngôi nhà sàn nằm trong Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã trở thành "địa chỉ đỏ," nơi hội tụ tình cảm của nhân dân Việt Nam và những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Không một ai đến thăm nơi ở của Bác mà không trào dâng cảm xúc thành kính và ngưỡng mộ về một nhân cách văn hóa lớn đã trở thành huyền thoại ngay trong cuộc sống đời thường:
"Nhà gác đơn sơ, một góc vườn
Gỗ thường mộc mạc, chẳng mùi sơn
Giường mây chiếu cói, đơn chăn gối
Tủ nhỏ, vừa treo mấy áo sờn"
("Thăm cõi Bác xưa" - Tố Hữu)
Trong cuộc sống hằng ngày, từ những năm tháng khó khăn nhất, cho đến khi đã là một vị Chủ tịch nước, bữa ăn của Bác vẫn chỉ có tương cà, dưa muối…
Sau các bữa ăn, Người tự mình sắp xếp gọn gàng bát đĩa trên bàn để các đồng chí phục vụ thu dọn đỡ vất vả, ăn xong, cái bát bao giờ cũng sạch và thức ăn còn lại được để gọn gàng.
Bác nói: “Ở đời ai chẳng thích ăn ngon, mặc đẹp, nhưng nếu miếng ngon đó lại đánh đổi bằng sự mệt nhọc, phiền hà của người khác thì không nên."
“Ở đời ai chẳng thích ăn ngon, mặc đẹp, nhưng nếu miếng ngon đó lại đánh đổi bằng sự mệt nhọc, phiền hà của người khác thì không nên."
Chủ tịch Hồ Chí Minh
Hơn nữa, Bác luôn nghĩ đến mọi người, có món ngon không bao giờ Bác ăn một mình, Bác sẻ cho người này, chia cho người kia rồi sau cùng mới đến phần mình và phần Bác thường là ít nhất.
Tiết kiệm và hết sức giản dị, vị Chủ tịch nước những lúc làm việc ở nhà thường mặc bộ quần áo bà ba màu nâu, đi đôi guốc gỗ. Còn khi tiếp khách, đi công tác Người thường mặc bộ quần áo kaki và đi đôi dép cao su.
 Đôi dép cao su của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Có lần áo Bác rách, phải vá đi vá lại, thậm chí thay cả cổ áo, vậy mà mọi người xin Bác thay bộ quần áo mới thì Bác bảo: “Bác mặc như thế phù hợp với hoàn cảnh của dân, của nước, không cần phải thay," “Đất nước còn nghèo, đời sống nhân dân còn khó khăn, Bác đã có hai bộ kaki tuy cũ nhưng vẫn còn mặc tốt, các chú đừng may thêm, lãng phí."
Nói về sự khiêm tốn, giản dị chân thành của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cố Tổng thống Chile Xanvado Agiende đã phát biểu : "Đằng sau vẻ bề ngoài mềm mỏng của ông là một tinh thần quật cường, dũng cảm, bất khuất… Lúc đầu người phương Tây chỉ cười bộ quần áo của ông, xong rồi nhiều người nhận rõ rằng bộ quần áo đặc biệt của ông chứng tỏ cho dù bất cứ ở đâu, giữa những người thượng lưu hay giữa đám đông quần chúng, không bao giờ ông quên mình là người trong quần chúng của đất nước Việt Nam yêu quý của mình… Nếu ai muốn tìm một từ có thể tóm gọn tất cả cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì đó là một sự hết sức giản dị và hết sức khiêm tốn của ông."
Giản dị trong cách nói, cách viết, cách làm việc
Không chỉ thể hiện trong lối sống, đức tính khiêm tốn, giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn được thể hiện thông qua cách nói, cách viết, cách làm việc của người.
Là người có trí tuệ uyên thâm, thông thạo nhiều ngoại ngữ, là nhà chính trị tài ba, nhà ngoại giao sắc sảo, nhà văn, nhà thơ lớn của dân tộc nhưng khi bàn luận, giải thích hay đề cập đến vấn đề chính trị, người luôn trình bày đơn giản, không triết lý, dài dòng, khuôn sáo, sách vở, biến những điều phức tạp thành dễ nghe, dễ hiểu. Bởi vậy mà những chân lý: "Không có gì quý hơn độc lập tự do," "Nước Việt Nam là một..." đã từng bước thấm nhuần và đi vào trong đời sống của nhân dân.
 Một bữa cơm dọc đường trên đường đi công tác của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1954). (Ảnh: TTXVN phát)
Dù là lãnh tụ tối cao nhưng khi tiếp xúc với nhân dân, cử chỉ, lời nói của Người hết sức mộc mạc, dân dã. Ngay cả khi đứng trên lễ đài đọc Bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, người cũng dừng lại hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?" Cả một biển người ngày ấy hô vang tiếng “rõ." Không còn khoảng cách nào giữa lãnh tụ và người dân qua cử chỉ đó của Người.
Bác đến với các chiến sỹ trên mặt trận, cùng chiến sỹ hành quân; Bác đi thăm chỗ ở, nhà bếp, nhà vệ sinh của các gia đình, tập thể; Bác trực tiếp xuống ruộng làm việc, hướng dẫn bà con về sâu bệnh, về thủy lợi; Bác đến thăm các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, trường học; Bác viết thư thăm hỏi người già, trẻ em... Bác luôn chủ động tiếp xúc, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, từ đó đi vào lòng dân bằng trái tim nhân hậu, đồng cảm.
Đi đến đâu, Bác cũng bình dị, không thích hình thức đón tiếp linh đình, không thích tiền hô hậu ủng, mà hòa nhập ngay với quần chúng, đối thoại trực tiếp và thân tình với quần chúng, để nắm sát tình hình thực tế và đồng cảm với tâm tư, nguyện vọng của quần chúng. Ít có vị lãnh tụ nào mà hình ảnh đọng lại trong tâm trí người dân lại gần gũi, bình dị đến thế. Cả dân tộc Việt Nam, từ cụ già đến em bé, từ thế hệ này qua thế hệ khác đều gọi Người với hai tiếng trìu mến: Bác Hồ.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban hành chính thành phố Hà Nội tham gia lao động xây dựng Công viên Thống Nhất. (Ảnh: TTXVN phát)
Lối sống giản dị, thanh cao của Bác là cả một nét đẹp văn hóa, cũng đồng thời là bản lĩnh văn hóa của Người, là tấm gương sáng cho mọi tầng lớp nhân dân noi theo.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “Chớ hiểu lầm rằng Bác sống khắc khổ theo lối nhà tu hành, thanh tao theo kiểu nhà hiền triết ẩn dật... Đời sống vật chất giản dị càng hòa hợp với đời sống tâm hồn phong phú, với những tư tưởng, tình cảm, những giá trị tinh thần cao đẹp nhất. Đó là đời sống thật sự văn minh mà Bác Hồ nêu gương sáng trong thế giới ngày nay.
 Ngày 28/12/1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định chủ trương mở đợt Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968). (Ảnh: TTXVN)
Suốt đời, Người không màng danh lợi, mà chỉ theo đuổi một mục tiêu cao cả: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành."
Thanh tao ấy là cốt cách của bậc hiền triết Á Đông, đậm bản sắc Việt Nam và cũng lấp lánh tinh thần minh triết Hồ Chí Minh. Là người bạn lớn của nhân dân các dân tộc, Hồ Chí Minh đem tấm lòng chân thành và khiêm tốn, cả sự tinh tế đầy chất nhân văn và tình người để thắt chặt tình hữu nghị, đưa thế giới đến với Việt Nam và đem hình ảnh Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Nhà nghiên cứu Ba Lan Hélène Tourmaire, trong tác phẩm "Trở thành người Bác như thế nào?" đã viết: “Ở con người Hồ Chí Minh, mỗi người đều thấy biểu hiện của nhân vật cao quý nhất, bình dị nhất và được kính yêu nhất trong gia đình mình… Hình ảnh của Hồ Chí Minh đã hoàn chỉnh với sự kết hợp đức khôn ngoan của Phật, lòng bác ái của Chúa, triết học Marx, thiên tài cách mạng của Lenin và tình cảm của một người chủ gia tộc, tất cả bao bọc trong một dáng dấp rất tự nhiên."
 
Tranh thủ lúc rảnh rỗi, Bác Hồ cùng các đồng chí trong cơ quan cuốc đất trồng rau tại vườn Phủ Chủ tịch (năm 1957). (Ảnh: TTXVN)
Có lãnh tụ, vĩ nhân nào trên thế giới đã sống và sinh hoạt hằng ngày như Bác của chúng ta? Biết bao người ở mọi miền đất nước, từ khắp nơi trên thế giới đã đến thăm nơi Bác ở để hiểu một cuộc đời, để cảm nhận một sự nghiệp tỏa sáng - Hồ Chí Minh.
Biết bao người đã khóc, từ em nhỏ tới người lớn, từ người dân thường đến các học giả, các chính khách, các tướng lĩnh ở muôn nơi - những giọt nước mắt của lòng kính trọng và biết ơn, của sự ngưỡng mộ và tự hào về Hồ Chí Minh - con người đã dấn thân trong cần lao tranh đấu cho dân tộc và nhân loại, để dâng hiến, hy sinh đến mức hóa thân vào nhân dân.
Khi trút hơi thở cuối cùng, trên ngực áo của Người không một tấm huân chương, bởi Hồ Chí Minh xa lạ với cao sang quyền quý, bởi Người không màng danh lợi và còn bởi Người là mẫu mực tuyệt vời trong sáng của đức khiêm nhường, lòng nhân ái vị tha.
Cũng bởi thế, với mỗi người Việt Nam, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vừa là niềm tự hào, vừa là tâm nguyện./.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các Anh hùng, Dũng sỹ diệt Mỹ trong Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, tại Phủ Chủ tịch, ngày 28/2/1969. (Ảnh: TTXVN)
Theo nguồn: TTXVN/Vietnam+