Tin nóng
ĐIỀU LỆ (SỬA ĐỔI, BỔ SUNG) LIÊN HIỆP CÁC TỔ CHỨC HỮU NGHỊ TỈNH KIÊN GIANG NHIỆM KỲ 2018-2023
Ngày: 01.08.2019
(Phê duyệt kèm theo Quyết định số 2351/QĐ-UBND ngày 24 tháng 10 năm 2018 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Tên gọi

1. Tên tiếng Việt: Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Kiên Giang.

2. Tên tiếng nước ngoài: The Kien Giang Union of Friendship Organizations.

3. Tên viết tắt: KUFO

4. Biểu tượng (logo):

Điều 2. Tôn chỉ, mục đích

1. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Kiên Giang (sau đây viết tắt là Liên hiệp) là tổ chức chính trị - xã hội chuyên trách về đối ngoại nhân dân trong lĩnh vực hòa bình, đoàn kết, hữu nghị và hợp tác nhân dân, có vai trò làm đầu mối phối hợp trong một số hoạt động đối ngoại nhân dân, là đầu mối làm công tác tổ chức phi chính phủ nước ngoài, là tổ chức làm công tác chính trị đối ngoại và là bộ phận cấu thành của lực lượng đối ngoại chuyên trách tỉnh Kiên Giang;

2. Liên hiệp là thành viên của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Kiên Giang, hoạt động dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và sự quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang theo quy định của pháp luật Việt Nam. 

Điều 3. Địa vị pháp lý, trụ sở

1. Liên hiệp có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản riêng; hoạt động theo quy định pháp luật Việt Nam và Điều lệ Liên hiệp được Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang phê duyệt;

2. Trụ sở của Liên hiệp đặt tại số 48 Thành Thái, phường Vĩnh Thanh Vân, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

Điều 4. Phạm vi, lĩnh vực hoạt động

Liên hiệp hoạt động trên phạm vi tỉnh Kiên Giang, chuyên trách về đối ngoại nhân dân trong lĩnh vực hòa bình, đoàn kết, hữu nghị và hợp tác nhân dân, có vai trò làm đầu mối trong quan hệ và vận động viện trợ phi Chính phủ nước ngoài.

Điều 5. Nguyên tắc tổ chức, hoạt động

1. Dân chủ, bình đẳng, công khai minh bạch;

2. Nhà nước giao biên chế, đảm bảo kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động;

3. Không vì mục đích lợi nhuận;

4. Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và Điều lệ Liên hiệp.

 

Chương II
QUYỀN HẠN, NHIỆM VỤ

Điều 6. Quyền hạn

1. Đại diện cho các tổ chức thành viên trong các hoạt động có liên quan đến tôn chỉ, mục đích và nhiệm vụ của Liên hiệp;

2. Chủ động thiết lập quan hệ và hợp tác với các đối tác nước ngoài để thực hiện nhiệm vụ được giao; làm đầu mối vận động, tham gia quản lý, hướng dẫn các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài hoạt động theo đúng luật pháp Việt Nam;

3. Tổ chức các Đoàn đại biểu của Liên hiệp và các tổ chức thành viên ra nước ngoài và mời, đón tiếp các đoàn, tổ chức tương ứng của nước ngoài vào tỉnh Kiên Giang; được cử thành viên tham gia các đoàn của tỉnh đi công tác ngoài nước; tổ chức các hội nghị, hội thảo liên quan đến công tác đối ngoại nhân dân và viện trợ phi Chính phủ nước ngoài;

4. Phối hợp công tác, trao đổi thông tin đối ngoại nói chung, đặt biệt đối ngoại nhân dân với các cơ quan có liên quan của tỉnh và trung ương; tham gia ý kiến xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác đối ngoại nhân dân tại tỉnh;

 5. Kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc thành lập, sáp nhập, chia tách hoặc giải thể các tổ chức thành viên của Liên hiệp, các đơn vị trực thuộc Liên hiệp theo yêu cầu nhiệm vụ từng thời kỳ; kiểm tra, giám sát, kiến nghị cấp có thẩm quyền trong việc điều phối viện trợ phi Chính phủ nước ngoài và xử lý vi phạm của các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài theo quy định pháp luật;

6. Tuyên truyền về hoạt động của Liên hiệp và tổ chức thành viên theo quy định của pháp luật;

7. Thành lập pháp nhân trực thuộc Liên hiệp theo quy định của pháp luật;

8. Được gây quỹ từ kinh phí đóng góp của các tổ chức thành viên và các nguồn thu từ hoạt động kinh doanh, dịch vụ theo quy định của pháp luật;

9. Được nhận các nguồn tài trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật; được nhà nước hỗ trợ kinh phí đối với những hoạt động gắn với nhiệm vụ của Nhà nước giao (nếu có);

10. Được gia nhập các tổ chức quốc tế tương ứng và ký kết, thực hiện thỏa thuận quốc tế theo quy định của pháp luật và báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực Liên hiệp hoạt động, cơ quan quyết định cho phép thành lập Hội về việc gia nhập tổ chức quốc tế tương ứng, ký kết, thực hiện thỏa thuận quốc tế.

Điều 7. Nhiệm vụ

1. Làm đầu mối phối hợp tổ chức các hoạt động ngoại giao nhân dân nhằm tăng cường sự hiểu biết, củng cố và phát triển quan hệ hòa bình, đoàn kết, hữu nghị, hợp tác và phát triển giữa nhân dân Kiên Giang với nhân dân các nước; tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân thế giới đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta; ủng hộ sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của nhân dân các nước vì hòa bình, phát triển, độc lập dân tộc, dân chủ, công bằng và tiến bộ xã hội;

2. Làm đầu mối quan hệ, phối hợp vận động, quản lý viện trợ và hoạt động của các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị, các tổ chức phi Chính phủ và cá nhân nước ngoài nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm dân sinh, các chương trình nhân đạo từ thiện của tỉnh Kiên Giang;

3. Tổ chức thực hiện tốt công tác thông tin đối ngoại, nghiên cứu, tham mưu cho Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh về những vần đề liên quan đến hoạt động hòa bình, đoàn kết, hữu nghị và hợp tác nhân dân với các nước, về hoạt động của các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài tại tỉnh, đấu tranh dư luận trên các diễn đàn xã hội khu vực và quốc tế về các vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, dân tộc, góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia và chính nghĩa của Việt Nam; góp phần giáo dục, nâng cao nhận thức quốc tế và kỹ năng đối ngoại cho cán bộ, nhân dân tỉnh;

4. Thực hiện một số nhiệm vụ chính trị do Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang giao.

Chương III
CÁC TỔ CHỨC THÀNH VIÊN

Điều 8. Tổ chức thành viên và tiêu chuẩn tổ chức thành viên

1. Tổ chức thành viên chính thức:

Là tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị và hợp tác nhân dân được thành lập và hoạt động theo quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh và phù hợp với Điều lệ của Liên hiệp.

2. Tổ chức thành viên liên kết, danh dự:

- Tổ chức thành viên liên kết là các doanh nghiệp liên doanh và doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài hoạt động tại tỉnh Kiên Giang, có đóng góp cho sự phát triển của Liên hiệp, được Ban chấp hành Liên hiệp xem xét, công nhận là tổ chức thành viên liên kết;

- Tổ chức thành viên danh dự là tổ chức tại tỉnh Kiên Giang không có điều kiện trở thành tổ chức thành viên chính thức của Liên hiệp, tán thành Điều lệ, tự nguyện xin gia nhập và Liên hiệp, được Ban chấp hành Liên hiệp công nhận là tổ chức thành viên danh dự.

Điều 9. Nghĩa vụ của tổ chức thành viên

1. Chấp hành Điều lệ và các Nghị quyết của Liên hiệp, chấp hành sự lãnh đạo, hướng dẫn về tổ chức, nhân sự lãnh đạo hội, về chủ trương, phương hướng hoạt động và chịu sự kiểm tra, giám sát của Ban chấp hành Liên hiệp;

2. Thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác đối ngoại nhân dân của Liên hiệp; phối hợp và hỗ trợ các tổ chức thành viên khác trong hoạt động đối ngoại nhân dân;

3. Bảo vệ uy tín của Liên hiệp, không được nhân danh Liên hiệp trong các quan hệ giao dịch, trừ khi lãnh đạo Liên hiệp phân công bằng văn bản;

4. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định của Liên hiệp;

5. Đóng góp nguồn lực cho hoạt động chung của Liên hiệp theo khả năng.

Điều 10. Quyền của tổ chức thành viên

1. Được Liên hiệp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật; được giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động và bảo vệ các quyền lợi chính đáng trong phạm vi quyền hạn và khả năng của Liên hiệp;

2. Được Liên hiệp cung cấp thông tin liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Liên hiệp, được tham gia các hoạt động do Liên hiệp tổ chức;

3. Được tham gia thảo luận, quyết định các chủ trương công tác của Liên hiệp theo quy định của Liên hiệp; được kiến nghị, đề xuất ý kiến với cơ quan có thẩm quyền về những vấn đề có liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Liên hiệp;

4. Được dự Đại hội, ứng cử, bầu cử các cơ quan, các chức danh lãnh đạo và Ban kiểm tra Liên hiệp theo quy định của Liên hiệp;

5. Được khen thưởng theo quy định của Liên hiệp;

6. Tổ chức thành viên liên kết, tổ chức thành viên danh dự được hưởng quyền và nghĩa vụ như tổ chức thành viên chính thức, trừ quyền biểu quyết các vấn đề của Liên hiệp và quyền ứng cử, bầu cử Ban Lãnh đạo, Ban Kiểm tra Liên hiệp.

Điều 11. Thủ tục, thẩm quyền kết nạp tổ chức thành viên; thủ tục ra khỏi Liên hiệp

1. Các tổ chức thành viên tự nguyện tham gia Liên hiệp làm đơn theo quy định của Ban Thường vụ;

2. Đơn xin gia nhập được Ban Thường vụ Liên hiệp xem xét và công nhận bằng văn bản;

3. Tổ chức thành viên tự nguyện xin ra khỏi Liên hiệp nộp đơn cho Ban Thường vụ Liên hiệp xem xét và quyết định đình chỉ tư cách tổ chức thành viên.

Chương IV
TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG

Điều 12. Cơ cấu tổ chức của Liên hiệp

1. Đại hội Đại biểu;

2. Ban Chấp hành;

3. Ban Thường vụ;

4. Ban Kiểm tra;

5. Cơ quan Thường trực;

6. Các tổ chức pháp nhân thuộc Liên hiệp thành lập theo quy định của pháp luật.

Điều 13. Đại hội

Đại hội đại biểu là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Liên hiệp, được triệu tập 5 năm một lần với sự tham gia của các thành viên Ban chấp hành Liên hiệp và đại biểu của các tổ chức thành viên. Số lượng đại biểu do Ban chấp hành đương nhiệm quy định.

Đại hội đại biểu có nhiệm vụ:

1. Tổng kết đánh giá hoạt động của Liên hiệp trong nhiệm kỳ qua, thảo luận và quyết định phương hướng nhiệm vụ của Liên hiệp trong nhiệm kỳ mới;

2. Thảo luận, góp ý vào báo cáo kiểm điểm trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, báo cáo tài chính trong nhiệm kỳ Đại hội;

3. Thảo luận và thông qua Điều lệ: đổi tên, sửa đổi, bổ sung (nếu có);

4. Hiệp thương dân chủ giới thiệu và bầu Ban chấp hành khóa mới;

5. Nguyên tắc biểu quyết tại Đại hội:

a) Đại hội có thể biểu quyết bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín. Việc quy định hình thức biểu quyết do Đại hội quyết định;

b) Việc biểu quyết thông qua các quyết định của Đại hội phải được quá ½ (một phần hai) đại biểu chính thức có mặt tại Đại hội tán thành.

Điều 14. Ban chấp hành Liên hiệp

- Ban Chấp hành là cơ quan lãnh đạo của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Kiên Giang giữa 02 (hai) kỳ Đại hội;

- Tham gia Ban chấp hành bao gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Liên hiệp; các Chủ tịch, phó Chủ tịch tổ chức thành viên; trưởng, phó các Ban, văn phòng của Liên hiệp; đại diện một số cơ quan, tổ chức nhân dân và một số cá nhân tiêu biểu;

- Ban chấp hành bầu hoặc hiệp thương dân chủ đề cử Ban Thường vụ bao gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Liên hiệp và một số Ủy viên Ban Chấp hành;

- Ban Chấp hành họp 02 (hai) lần trong năm và có thể họp bất thường nếu xét cần thiết.

- Ban Chấp hành có nhiệm vụ:

1. Lãnh đạo thực hiện các Nghị quyết của Đại hội đại biểu, cụ thể hóa Nghị quyết bằng các kế hoạch, chương trình công tác và những biện pháp thực hiện;

2. Thông qua Quy chế làm việc, chương trình làm việc. Báo cáo và dự toàn kinh phí hoạt động sáu tháng, hàng năm của Liên hiệp;

3. Giám sát công việc của Ban Thường vụ;

4. Trong thời gian giữa 02 (hai) kỳ Đại hội, nếu xét thấy cần thiết, Ban Chấp hành có thể bầu bổ sung, miễn nhiệm, bãi nhiệm một số nhân sự Ban Chấp hành và Ban Thường vụ theo đề nghị của Ban Thường vụ Liên hiệp;

5. Quyết định công nhận Ban Chấp hành tổ chức thành viên; quyết định kỷ luật đối với các tổ chức thành viên và ủy viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Liên hiệp;

6. Chuẩn bị Đại hội đại biểu và triệu tập Đại hội thường kỳ. Triệu tập đại hội bất thường khi có ít nhất 2/3 (hai phần ba) ủy viên Ban Chấp hành hoặc có ít nhất ½ (một phần hai) tổng số hội viên chính thức đề nghị.

Điều 15. Ban Thường vụ Liên hiệp

Ban Thường vụ là cơ quan chỉ đạo mọi hoạt động của Liên hiệp giữa 02 (hai) kỳ họp Ban Chấp hành, Ban Thường vụ gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký, một số ủy viên Ban Chấp hành.

Ban Thường vụ có nhiệm vụ:

1. Cụ thể hóa các Nghị quyết của Đại hội và của Ban Chấp hành; chỉ đạo tổ chức thực hiện các Nghị quyết đó;

2. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Điều lệ, Quy chế làm việc, các Nghị quyết, chương trình, kế hoạch hoạt động của Liên hiệp, của cơ quan Thường trực và các Hội thành viên Liên hiệp;

3. Chuẩn bị nội dung Hội nghị Ban chấp hành Liên hiệp;

4. Quyết định khen thưởng và đề xuất khen thưởng trình cấp có thẩm quyền đối với cá tập thể và cá nhân; quyết định kỷ luật đối với nhân sự lãnh đạo các tổ chức thành viên theo thẩm quyền;

5. Ban Thường vụ họp mỗi quý ít nhất 01 (một) lần để kiểm điểm công tác và bàn biện pháp thực hiện các Nghị quyết của Ban Chấp hành, khi cần thiết có thể họp bất thường.

Điều 16. Ban kiểm tra Liên hiệp

Ban kiểm tra Liên hiệp do Ban Chấp hành bầu. Ban Kiểm tra gồm Trưởng Ban là Ủy viên Ban Thường vụ và một số Ủy viên là thành viên Ban Chấp hành Liên hiệp, cán bộ chuyên trách trong cơ quan Thường trực Liên hiệp.

Ban Kiểm tra Liên hiệp có nhiệm vụ:

1. Kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết Đại hội, Điều lệ Liên hiệp, Quy chế làm việc, Chương trình công tác của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ;

2. Kiểm tra tổ chức, hoạt động và nhân sự các hội thành viên để biểu dương, khen thưởng; chấn chỉnh khi có dấu hiệu vi phạm Điều lệ, pháp luật;

3. Kiểm tra hoạt động kinh tế, tài chính của Liên hiệp và các Hội thành viên (nếu có);

4. Xem xét và giải quyết các đơn khiếu tố, khiếu nại của các thành viên, hội viên Liên hiệp.

Điều 17. Cơ quan Thường trực

1. Cơ quan Thường trực gồm Văn phòng, các Ban chức năng và đơn vị trực thuộc;

2. Cơ quan Thường trực có trách nhiệm giúp Chủ tịch Liên hiệp tổ chức mọi hoạt động của Liên hiệp theo Điều lệ và Quy chế làm việc của Liên hiệp.

Điều 18. Chủ tịch, Phó Chủ tịch Liên hiệp

1. Chủ tịch Liên hiệp là đại diện pháp nhân của Liên hiệp trước pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động của Liên hiệp; Chủ tịch Liên hiệp do Ban Chấp hành bầu trong số các ủy viên Ban Chấp hành Liên hiệp.  Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Liên hiệp:

a) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo Quy chế hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Liên hiệp;

b) Chịu trách nhiệm toàn diện trước cơ quan có thẩm quyền cho phép thành lập Liên hiệp, cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực hoạt động chính của Liên hiệp, trước Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Liên hiệp về mọi hoạt động của Liên hiệp. Chỉ đạo, điều hành mọi hoạt động của Liên hiệp theo quy định Điều lệ Liên hiệp; Nghị quyết Đại hội; Nghị quyết, Quyết định của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Liên hiệp;

c) Chủ trì các phiên họp của Ban Chấp hành; chỉ đạo chuẩn bị, triệu tập và chủ trì các cuộc họp của Ban Thường vụ;

d) Thay mặt Ban Chấp hành, Ban Thường vụ ký các văn bản của Liên hiệp;

đ) Khi Chủ tịch Liên hiệp vắng mặt, việc chỉ đạo, điều hành giải quyết công việc của Liên hiệp được ủy quyền bằng văn bản cho một Phó Chủ tịch Liên hiệp.

3. Phó Chủ tịch do Ban Chấp hành bầu trong số các ủy viên Ban Chấp hành Liên hiệp. Nhiệm vụ, quyền hạn của Phó Chủ tịch Liên hiệp:

a) Giúp Chủ tịch Liên hiệp chỉ đạo, điều hành công tác của Liên hiệp theo sự phân công của Chủ tịch Liên hiệp;

b) Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Liên hiệp và trước pháp luật về lĩnh vực công việc được Chủ tịch phân công hoặc ủy quyền;

c) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy chế hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Liên hiệp phù hợp với Điều lệ Liên hiệp và quy định của pháp luật.

Điều 19. Tổng Thư ký

Tổng Thư ký giúp việc cho Ban Chấp hành, Ban Thường vụ. Ban Chấp hành quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Tổng Thư ký.

Chương V

CHIA, TÁCH; SÁP NHẬP; HỢP NHẤT; ĐỔI TÊN VÀ GIẢI THỂ

Điều 20. Chia tách; sáp nhập; hợp nhất, đổi tên và giải thể Liên hiệp

Việc chia tách; sáp nhập; hợp nhất, đổi tên và giải thể Liên hiệp thực hiện theo quy định của Bộ Luật Dân sự, quy định của pháp luật về Hội, nghị quyết Đại hội và các quy định pháp luật có liên quan.

Chương VI

TÀI SẢN VÀ TÀI CHÍNH

Điều 21. Tài sản, tài chính

Liên hiệp được ngân sách Nhà nước đảm bảo biên chế, kinh phí, cơ sở vật chất và phương tiện hoạt động; các tổ chức thành viên của Liên hiệp được hỗ trợ kinh phí gắn với nhiệm vụ được cơ quan có thẩm quyền giao theo quy định của pháp luật.

Tài sản và tài chính của Liên hiệp gồm:

1) Nguồn do ngân sách tỉnh cấp;

2) Các nguồn tài trợ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong ngoài nước và các khoản thu hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Điều 22. Quản lý, sử dụng tài chính, tài chính

1. Tài chính, tài sản của Liên hiệp được sử dụng cho các hoạt động của Liên hiệp;

2. Tài chính, tài sản của Liên hiệp khi chia, tách; sáp nhập; hợp nhất và giải thể được giải quyết theo quy định của pháp luật;

3. Ban Chấp hành Liên hiệp ban hành Quy chế quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của Liên hiệp đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, tiết kiệm phù hợp với quy định của pháp luật và tôn chỉ, mục đích hoạt động của Liên hiệp.

Chương VII

KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT

Điều 23. Khen thưởng

Những tổ chức và cá nhân tùy theo thành tích đóng góp cho hoạt động của Liên hiệp được biểu dương, khen thưởng hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng theo quy định.

Điều 24. Kỷ luật

Tổ chức thành viên và hội viên vi phạm Điều lệ và pháp luật, tùy theo mức độ sẽ bị kỷ luật từ  khiển trách đến xóa tên trong Liên hiệp.

Chương VIII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 25. Sửa đổi, bồ sung Điều lệ Liên hiệp

Chỉ có Đại hội đại biểu Liên hiệp mới có quyền sửa đổi, bổ sung Điều lệ này. Việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Liên hiệp phải được 2/3 (hai phần 3) số đại biểu chính thức có mặt tại Đại hội tán thành và được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt mới có hiệu lực.

Điều 26. Hiệu lực thi hành

1. Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Kiên Giang gồm 08 (tám) Chương, 26 (hai mươi sáu) Điều đã được Đại hội Đại biểu Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Kiên Giang lần thứ III, nhiệm kỳ 2018 – 2023 thông qua ngày 26 tháng 7 năm 2018 tại tỉnh Kiên Giang và có hiệu lực thi hành theo Quyết định phê duyệt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang.

2. Căn cứ quy định của pháp luật về Hội và Điều lệ Liên hiệp, Ban chấp hành Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Kiên Giang có trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện Điều lệ này./.