Tin nóng
Thông tin cơ bản về Thái Lan và quan hệ Việt Nam - Thái Lan
Ngày: 14.03.2019
Tên nước : Vương quốc Thái Lan Thủ đô : Băng-cốc (từ năm 1782) Diện tích : 513.115 km2, gồm 76 tỉnh Dân số : 65,44 triệu người (2006) trong đó người Thái chiếm 75%, người Hoa 14%, các dân tộc khác 11%

THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ THÁI LAN VÀ QUAN HỆ VIỆT NAM-THÁI LAN 
VƯƠNG QUỐC THÁI LAN 
(Kingdom of Thailand) 
I/ Khái quát 
Tên nước : Vương quốc Thái Lan 
Thủ đô : Băng-cốc (từ năm 1782) 
Diện tích : 513.115 km2, gồm 76 tỉnh 
Dân số : 65,44 triệu người (2006) trong đó người Thái chiếm 75%, người Hoa 14%, các dân tộc khác 11% 
Tôn giáo : Đạo Phật được coi là quốc đạo, chiếm khoảng 95% dân số, ngoài ra có Đạo Hồi (4%), Thiên chúa giáo và các đạo khác (1%) 
Ngôn ngữ : Ngôn ngữ chính là tiếng Thái 
Ngày quốc khánh : 5/12 (là ngày sinh nhật Vua Bhumibol Adulyadej) 
Tiền tệ : Đồng Baht (THB) 
Lãnh đạo nhà nước hiện nay : 
Nhà Vua : Phu-mi-phôn A-đun-da-đệt (Bhumibol Adulyadej), lên ngôi ngày 9/6/1946 đến nay 
Thủ tướng : Su-ra-dút Chu-la-nôn (Surayud Chulanont) 
II/ Lịch sử: 
- Theo sử sách Thái Lan, người Thái xuất xứ từ vùng núi An-Tai, Đông Bắc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc từ 4500 năm trước, sau đó di cư dần xuống vùng đất hiện nay là Thái Lan. Vào năm 1238, người Thái thành lập Vương quốc tại Sukhothai (Bắc Thái Lan), sau đó người Thái mở rộng lãnh thổ xuống phía Nam, và năm 1350 chuyển kinh đô xuống Ayuthaya (Bắc Băng-cốc 70 km). Hơn 400 năm người Thái tiến hành chiến tranh liên miên với Miến Điện và kinh đô Ayuthaya bị huỷ diệt. Năm 1767, tướng Taksin, đứng lên giành lại độc lập, lên ngôi, và rời đô về Thonburi, bên bờ sông Chao Phaya, đối diện với Bangkok. Kể từ Vua Rama I (1782) Băng-cốc (Thành phố của các thiên thần) trở thành Thủ đô. 
- Trước năm 1932, Thái Lan theo chế độ Quân chủ chuyên chế. Ngày 10/12/1932 Vua Prachadhipok (Rama VII) đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên và Thái Lan theo chế độ quân chủ lập hiến. Hơn 60 năm qua Thái Lan đã thay đổi 16 hiến pháp, nhưng chủ yếu vẫn dựa trên cơ sở Hiến pháp 1932. Sau sự kiện 19/9/2006, Thái Lan lập chính phủ mới do Thủ tướng Su-ra-dút Chu-la-nôn đứng đầu. Hiện nay Thái Lan đang trong quá trình soạn thảo hiến pháp mới và chuẩn bị tiến hành Tổng tuyển cử, dự kiến vào tháng 11/2007. 
III/ Thể chế chính trị: 
1. Thể chế nhà nước: quân chủ lập hiến. 
2. Cơ cấu các cơ quan quyền lực: 
- Nguyên thủ quốc gia là Nhà Vua: Được coi là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Nhà Vua là người đứng đầu nhà nước, Tổng Tư lệnh quân đội và là người bảo trợ quốc đạo Phật giáo. 
- Quốc hội: Hiện chỉ có Hội đồng Lập pháp lâm thời. Dự kiến Tổng tuyển cử bầu quốc hội vào tháng 11/2007 
- Chính phủ: Gồm Thủ tướng và nội các hiện gồm 35 thành viên. 
IV/ Kinh tế: 
- Thái Lan vốn là một nước nông nghiệp truyền thống. Bắt đầu từ năm 1960 Thái Lan thực hiện Kế hoạch phát triển Kinh tế - Xã hội lần thứ nhất và đến nay là Kế hoạch 9 (2002- 2006). Từ những năm 1970 Thái thực hiện chính sách "hướng vào xuất khẩu", ASEAN, Mỹ, Nhật, EC là thị trường xuất khẩu chính của Thái Lan. Ngành công nghiệp và dịch vụ đã dần dần đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế . Riêng du lịch cũng đưa lại thu nhập khoảng 4 tỷ baht/ năm, chiếm 7,7% GDP (từ 2000). 
- Từ 1988 – 1995 kinh tế Thái Lan đạt tốc độ tăng trưởng cao từ 8% đến 10%. Những năm 1996 – 1998 tăng trưởng kinh tế giảm, kinh tế Thái Lan rơi vào tình trạng khó khăn trầm trọng do cuộc khủng hoảng tài chính Đông Á. Tỷ giá đồng bạt tháng 1/1998 là 53 Bạt = 1USD (trước là 25,3); mức tăng GDP năm 98 là -10,5%; nợ nước ngoài khoảng 87 tỷ USD. Từ năm 1999, kinh tế Thái Lan bắt đầu có dấu hiệu phục hồi và từng bước phát triển bền vững; đồng Baht tương đối ổn định; dự trữ ngoại tệ ở mức cao trên 65 tỷ USD (so với mức 800 triệu USD của tháng 8/1997). 
- Tỷ trọng các ngành: Nông nghiệp 9,3%, công nghiệp 45,1%, dịch vụ 45,6% (2005). Tăng trưởng GDP năm 2006 khoảng 5%. 
- Kim ngạch xuất khẩu năm 2006 đạt khoảng 150 tỷ USD. 
V/ Đối ngoại: 
- Sau sự kiện 19/9/2006, Chính phủ mới của Thái Lan khẳng định tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác các nước cũng như cam kết quốc tế quốc tế đã có. Thủ tướng Surayud đã thăm tất cả các nước láng giềng ASEAN; Lào (14/10) và Campuchia (15/10), Malaysia (18/10), Indonesia (20/10), Việt Nam (26/10), Singapore và Brunei (tháng 11/2006), Myanmar (12/2006); tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc (10/2006); Cấp cao APEC 14 tại Hà Nội (11/2006), Cấp cao ASEAN tại Cebu. Tướng Sondthi thăm Malaysia, Trung Quốc và một số nước Hồi giáo. Thái Lan coi trọng quan hệ hợp tác với các nước láng giềng, quan hệ hợp tác với các nước lớn như Trung Quốc, Mỹ, Nhật, EC...Đồng thời Thái Lan cũng rất chú trọng chính sách ngoại giao phục vụ kinh tế, đẩy mạnh thu hút đầu tư, đẩy mạnh tìm kiếm các đối tác thương mại nhằm mở rộng thị trường, tăng giá trị hàng hóa của Thái Lan, tạo cơ hội về thương mại cho khu vực tư nhân Thái Lan. Về tự do hóa thương mại, Thái Lan chú trọng đàm phán thành lập khu vực tự do thương mại (FTA) với các nước, trong đó đã ký với Nhật, đang đàm phán với Mỹ, đồng thời tăng cường quan hệ thương mại đa phương trong khuôn khổ WTO. 
VI/ Quan hệ Việt Nam – Thái Lan: 
- Việt Nam và Thái Lan thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 6/8/1976. Tháng 9/1978, Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm chính thức Thái Lan. Năm 2006 hai nước đã tiến hành nhiều hoạt động kỷ niệm 30 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. 
- Từ năm 1991 đến nay, quan hệ hai nước được cải thiện và phát triển nhất là sau khi Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN. Hai bên đã trao đổi nhiều chuyến thăm cấp cao. Đoàn ta: Tổng Bí thư Đỗ Mười (10/1993); Chủ tịch nước Trần Đức Lương (10/1998); Thủ tướng Võ Văn Kiệt (9/1991 và 7/1992), Thủ tướng Phan Văn Khải (5/2000), Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh (9/1996), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An (9/2003). Về phía Thái Lan: Các Thủ tướng Anand (1/1992), Chuan Leekpai (3/1994), Banharn (10/1995), Chavalit (3/1997); Thủ tướng Thaksin Shinawatra (4/2001). Đặc biệt có các chuyến thăm của Hoàng gia Thái như: Thái tử Maha Vajiralongkorn (11/1992, 9/1997) và Công chúa Sirindhorn (2/1993, 4/2000); Công chúa Chulabhond (11/1998, 5/1999, 6/2000, 11/2001, 2/2003 và tháng 12/2003), Chủ tịch Hội đồng Cơ mật Hoàng gia (4/2002). Ngoài ra hai bên cũng có nhiều cuộc trao đổi đoàn giữa các Bộ, ngành và địa phương. 
- Đáng chú ý, hai nước đã tiến hành họp Nội các chung lần thứ nhất tại Đà Nẵng (Việt Nam) và Na-khon Phan-nom (Thái Lan) do Thủ tướng hai nước dẫn đầu. Hai bên thông qua Tuyên bố về khuôn khổ hợp tác chiến lược hai nước trong thập kỷ đầu của thế kỷ 21 và nhiều văn kiện, thỏa thuận hợp tác quan trọng. 
- Thái Lan coi trọng quan hệ hợp tác với Việt Nam. Ngay sau khi nhậm chức, Thủ tướng Thái Lan Surayud Chulanont đã thăm Việt Nam (10/2006) và dự cấp cao APEC 14 tại Hà Nội (11/2006). Thủ tướng ta Nguyễn Tấn Dũng thăm Thái Lan và dự Hội nghị cấp cao ACMECS (12/2006). Trong năm 2006, các hoạt động kỷ niệm 30 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (1976-2006) đã được tổ chức trọng thể tại hai nước. 
- Kim ngạch thương mại hai nước liên tục tăng trong nhiều năm, trong năm 2006 đạt khoảng 4 tỷ USD, tăng 31% so với năm 2005. Về đầu tư, đến nay, tổng số đầu tư của Thái Lan vào Việt Nam là 145 dự án, tổng số vốn đăng ký là 1,6 tỷ USD (đứng thứ 12/77 các nước và lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam và thứ 3 trong ASEAN) và có chiều hướng tăng lên. Hợp tác du lịch được đẩy mạnh (năm 2006 có trên 120.000 khách Thái Lan sang Việt Nam và trên 200.000 khách Việt Nam sang Thái Lan). Hai bên tiếp tục duy trì cơ chế hợp tác xuất khẩu gạo, thỏa thuận thúc đẩy hợp tác khai thác tuyến đường hành lang Đông-Tây, cũng như hợp tác trong các khuôn khổ khu vực ASEAN, ACMECS, GMS… 
- Thái Lan coi trọng quan hệ hợp tác với Việt Nam trong các khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế như ASEAN, ACMECS, WEC, GMS, LHQ, KLK…Thái Lan ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO. 
Nguồn: (http://www.mofa.gov.vn/vi/)