Tin nóng
Thông tin cơ bản về Cộng Hòa Pháp và quan hệ Việt Nam - Pháp
Ngày: 15.03.2019
- Tên nước : Cộng hoà Pháp (Répubique française) - Thủ đô : Paris - Diện tích : 551.602 km2 - Dân số : 60.876.136 triệu (7/2006), đứng thứ 2 trong EU - sau Đức (82 triệu). Tỷ lệ sinh: 1,8%/năm. Tuổi thọ trung bình : 79

THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ CỘNG HOÀ PHÁP VÀ QUAN HỆ VIỆT NAM-CỘNG HOÀ PHÁP 
I. Giới thiệu chung 
- Tên nước : Cộng hoà Pháp (Répubique française) 
- Thủ đô : Paris 
- Diện tích : 551.602 km2 
- Dân số : 60.876.136 triệu (7/2006), đứng thứ 2 trong EU - sau Đức (82 triệu). Tỷ lệ sinh: 1,8%/năm. Tuổi thọ trung bình : 79 
- Tôn giáo : Thiên chúa giáo, Hồi giáo... 
- Quốc khánh : 14 tháng 7 
- Các vị lãnh đạo hiện nay: 
• Tổng thống: Ông Ni-cô-la Sac-kô-di (Nicolas Sarkozy) 
• Chủ tịch Quốc hội: Ông Giăng Lu-i Đơ-brê (Jean louis Debré) 
• Chủ tịch Thượng viện : Cờ-rit-xơ-chi-ăng Pông-xơ-lê (Christian Poncelet) 
• Thủ tướng: Ông Phơ-răng-xoa Phi-ông (Francois Fillon) 
• Bộ trưởng Ngoại giao: Ông Bec-na Ku-sơ-ne (Bernard Kouchner) 
II. Lịch sử 
Nước Pháp là nước có lịch sử lâu đời ở châu Âu. Tổ tiên của người Pháp là người Gô-loa 1000 năm trước công nguyên. Tới năm 59 trước công nguyên xứ Gôn bị đế chế La Mã chinh phục và đô hộ trong 400 năm và chịu ảnh hưởng sâu đậm của nền văn hoá La Mã. Thế kỷ 18, nền văn minh Pháp và tiếng Pháp phát triển rực rỡ ở châu Âu với kỷ nguyên ánh sáng và các nhà triết học nổi tiếng như Mông-tét-xki-ơ, Vôn-te, Đi-đơ-rô, Rút-xô… 
Cuộc cách mạng tư sản Pháp năm 1789 đã đi vào lịch sử với Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền. Năm 1871, Công xã Paris - cuộc cách mạng vô sản đầu tiên - thắng lợi ở Pháp, nhưng chỉ tồn tại được một thời gian ngắn. 
Nước Pháp đã trải qua nhiều nền cộng hoà, hiện nay là nền cộng hoà thứ 5 
III. Chính trị 
1. Thể chế nhà nước 
Cộng hoà. Nước Pháp theo chế độ Nghị viện - Tổng thống. Hiến pháp ngày 04/10/1958 liên tiếp được sửa đổi: Bầu cử Tổng thống theo phương thức phổ thông đầu phiếu trực tiếp (1962), bổ sung mục mới liên quan đến trách nhiệm hình sự của các thành viên chính phủ (1993), thiết lập kỳ họp duy nhất ở Nghị viện và mở rộng quy mô trưng cầu dân ý (1995), rút ngắn nhiệm kỳ tổng thống từ 7 năm xuống 5 năm (2000). 
Tổng thống do phổ thông đầu phiếu trực tiếp bầu ra, nhiệm kỳ 5 năm và có quyền lực lớn: cử Thủ tướng, chủ trì Hội đồng Bộ trưởng, giải tán Quốc hội và quyết định tổ chức trưng cầu dân ý về các vấn đề quan trọng. Theo hiến pháp, Tổng thống là lãnh đạo cao nhất về chính sách đối ngoại và quốc phòng. Thủ tướng đứng đầu Chính phủ, có trách nhiệm trước Quốc hội, giữ quyền xây dựng luật trong phạm vi của mình và đảm bảo thi hành pháp luật. 
Quyền lập pháp thuộc về Nghị viện, gồm Quốc hội và Thượng viện. Quốc hội do phổ thông đầu phiếu trực tiếp bầu ra, nhiệm kỳ 5 năm (577 đại biểu). Thượng viện được bầu gián tiếp (do các uỷ viên hội đồng vùng, tỉnh và các nghị sĩ Quốc hội bầu ra), nhiệm kỳ 9 năm, 3 năm bầu lại 1/3. Với việc bỏ phiếu bất tín nhiệm, Quốc hội có thể bãi miễn chính phủ. 
2. Các đảng phái chính trị 
2.1. Các đảng phái cánh tả: 
- Đảng Xã hội: thành lập 1905, đầu những năm 70 phát triển mạnh, có tổ chức sâu rộng trong xã hội, phát triển chính sách xã hội, quản lý chủ nghĩa tư bản bằng cách phân phối lại thu nhập trong xã hội, giảm bớt sự cách biệt giữa người giàu và người nghèo, có đường lối tương đối gắn với các đảng xã hội dân chủ ở châu Âu. Chủ tịch Đảng hiện nay là ông Phơ-răng-xoa Hô-lăng-đơ. 
- Đảng Cộng sản: ra đời năm 1920, theo đường lối mác-xít, với mục đích xây dựng chủ nghĩa xã hội bằng con đường hoà bình. Từ cuối những năm 70, số lượng đảng viên giảm rõ rệt do tác động của tình hình quốc tế và đấu tranh giữa các khuynh hướng trong nội bộ đảng. Bí thư toàn quốc là Bà Ma-ri Gioóc Buýp-phê. 
- Đảng Xanh (Les Verts): thành lập 1984, chủ trương "đoàn kết, có trách nhiệm đối với hành tinh và trách nhiệm công dân". 
Ngoài ra còn có các đảng khác như : Phong trào Công dân (Mouvement des citoyens); Đảng Xã hội cấp tiến (Parti Radical Socialiste); Đảng Đấu tranh Công nhân (Lutte Ouvrière)... 
2.2. Các đảng phái cánh hữu: 
- Đảng Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP) thành lập tháng 10/2002 sau khi cánh hữu giành thắng lợi áp đảo tại cuộc bầu cử Tổng thống 4/2002 và tại cuộc bầu cử Quốc hội tháng 5/2002, tập hợp các đảng RPR , UDF và cánh trung hữu của Lực lượng Dân chủ. Đại hội Đảng UMP tháng 11/2004 đã bầu ông Nicolas Sarkozy, làm Chủ tịch của Đảng. UMP là đảng cầm quyền hiện nay tại Pháp. Sau khi được bầu làm Tổng thống 6/5/2007 vừa qua, ông Sarkozy đã từ chức Chủ tịch Đảng. 

- Đảng UDF - Liên minh vì nền dân chủ Pháp: ra đời năm 1978, tập hợp các đảng Dân chủ Tự do (Démocratie Libérale), Đảng Cấp tiến (Parti Radical), Đảng Nhân dân vì nền Dân chủ Pháp (Parti populaire pour la Démocratie francaise). Đó là các đảng có truyền thống lâu đời nhất về chính trị của Pháp, có khuynh hướng dân chủ nghị viện, chủ trương giảm bớt vai trò của Nhà nước trong kinh tế-xã hội, nhấn mạnh vai trò của luật pháp và các giá trị truyền thống như gia đình, kỷ luật lao động... 
- Đảng Lực lượng Dân chủ - Force Démocrate (FD): tách ra từ UDF năm 1995 sau một thời gian dài là một bộ phận cấu thành của UDF, có khuynh hướng trung hữu. 
- Đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia - Front National: thành lập năm 1972. Đầu năm 1999, phân liệt thành 2 đảng Mặt trận Quốc gia và Mặt trận Quốc gia-Phong trào Quốc gia (Front National-Mouvement National). Tại cuộc bầu cử tổng thống 5/2002, Đảng này đã lợi dụng tâm lý chán nản của dân chúng trong một số vấn đề như nhập cư, thất nghiệp nên lần đầu tiên đã lọt được vào vòng II. 
IV. Kinh tế 
Pháp giàu quặng sắt, than, bô xít, potate, với 2/3 diện tích là đồng bằng và cao nguyên phì nhiêu thuận lợi cho canh tác, chăn nuôi. Pháp thiếu nhiên liệu, hầu như phải nhập toàn bộ nhu cầu về dầu lửa, khoảng 70-80 triệu tấn/năm. Ngoài khai thác than (16-18 triệu tấn/năm), Pháp đẩy mạnh sản xuất năng lượng nguyên tử, hiện đã chiếm 75% sản xuất điện của Pháp nhằm giảm bớt lệ thuộc vào sự biến động của thị trường nhiên liệu. 
Tổng thu nhập quốc dân (GDP) năm 2006: 2149 tỷ USD. Thu nhập quốc dân đầu người 31.100 USD. 
Tốc độ tăng trưởng trong 5 năm gần đây (%) : 
2001 2002 2003 2004 2005 2006 
3,1 2,1 1 0,1 1,4 2,1 

Tỷ trọng các ngành trong PIB (2005): Nông nghiệp 2,2%; công nghiệp: 21,4%; dịch vụ : 76,4%. 
Tỷ lệ lạm phát : 1,5% (2006) 
Tỷ lệ thất nghiệp : 8,7% (2006) 
Thương mại: Xuất khẩu đứng thứ 4 thế giới, chiếm 5,3% thị trường thế giới, chủ yếu là xe hơi, thiết bị văn phòng và điện tử, thiết bị giao thông vận tải, hoá hữu cơ, sản phẩm dược, xây dựng sân bay, máy móc, nông sản chế biến, lương thực. Nhập khẩu cũng đứng thứ 4 thế giới, sau Mỹ, Đức, Nhật. 63% trao đổi mậu dịch của Pháp là với các đối tác trong EU. 
Xuất khẩu: 449 tỷ USD (2006) 
Nhập khẩu: 529 tỷ USD (2006) 
Nông nghiệp: Pháp là nước đứng đầu châu Âu về sản xuất và xuất khẩu nông sản. Tuy chỉ có 6% lao động làm việc trong nông nghiệp, hàng năm Pháp xuất siêu khoảng 6,6 tỷ USD hàng nông sản gồm lúa mì, rượu nho, các sản phẩm thịt và sữa. Năng suất lao động nông nghiệp cao, công nghiệp chế biến thực phẩm rất phát triển chiếm 5% GDP. 

Các ngành công nghiệp và dịch vụ mũi nhọn: 
- Chế tạo cơ khí, nhất là sản xuất ôtô (thứ 4 thế giới với các công ty như PSA Peugeot-Citroen, Renault: hai công ty này chiếm 24% thị phần Châu Âu). 
- Hàng không (thứ 3 thế giới với các công ty lớn như EADS, Ariane space, Airbus, Dasault Aviation). 
- Thiết bị giao thông vận tải (xe lửa cao tốc, tàu điện ngầm) 
- Vật liệu xây dựng, thiết bị (Lafarge, Pechiney) 
- Viễn thông (Alcatel, France Telecom, Bouygue) 
- Công nghiệp dược (thứ 5 thế giới, Rhone-Poulenc). 
- Mỹ phẩm cao cấp v.v... 
- Dịch vụ của Pháp rất phát triển trong hệ thống tài chính và ngân hàng. 
- Pháp còn là nước có nguồn lãi về du lịch đứng hàng đầu thế giới (thu hút 60 triệu khách/năm). 

Về thu hút đầu tư nước ngoài, Pháp đứng thứ 4 thế giới, sau Mỹ, Anh và Trung Quốc, và thứ 2 Châu Âu, sau Anh, trước Ai-len, Đức, Ba-Lan và Hung-ga-ri. Pháp cũng đứng thứ 4 thế giới về đầu tư ra nước ngoài. 
V. Chính sách đối ngoại và quốc phòng 
Pháp là nước cổ động mạnh nhất cho việc hình thành một thế giới đa cực, trong đó EU đóng một vai trò nòng cốt. Pháp cho rằng cần cải tổ, tăng cường vai trò của các thiết chế kinh tế, chính trị quốc tế để hình thành những cơ chế “quản lý” toàn cầu hoá, hạn chế các tác động tiêu cực của nó, chủ trương “làm chủ toàn cầu hoá và làm cho toàn cầu hoá mang tính nhân văn hơn” (Jacques Chirac). 

1. Với châu Âu: Trọng tâm đối ngoại của Pháp là châu Âu và tăng cường vị trí và ảnh hưởng của Pháp trong xây dựng liên minh châu Âu, củng cố an ninh và hoà bình ở châu Âu, củng cố trục Pháp - Đức lấy đó làm nòng cốt thúc đẩy liên kết trong EU nhưng cũng tính nhiều đến vai trò của các nước trung bình hơn (nhất là sau chiến tranh Irraq), tăng cường xây dựng lực lượng nòng cốt châu Âu trong NATO, tăng cường ảnh hưởng và vị trí kinh tế tại các khu vực có tiềm năng phát triển mạnh trong tương lai. Pháp chú trọng kéo Anh tham gia sâu hơn vào quá trình liên kết và xây dựng lực lượng nòng cốt châu Âu, tăng cường vai trò của UEO thành tổ chức phòng thủ của EU, làm hạt nhân châu Âu trong NATO. Tổng thống mới N. Sarkozy tuyên bố muốn khôi phục lại vai trò Pháp trong Châu Âu và muốn cùng Anh thúc đẩy lại tiến trình xây dựng Hiến pháp châu Âu theo hướng “đơn giản hoá” hơn. 

2. Với Mỹ: Một mặt thừa nhận vai trò hàng đầu của Mỹ, tranh thủ vai trò của Mỹ về an ninh, mặt khác Pháp thi hành chính sách tương đối độc lập với Mỹ, đấu tranh chống thế giới đơn cực do Mỹ lũng đoạn. Pháp bất đồng với Mỹ về một số vấn đề quốc tế nhất là trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng ở Iraq, ở Trung Cận đông, khu vực Hồ lớn, trong chính sách cấm vận của Mỹ đối với Cuba, Lybie, Myanma, Iran, cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ ở châu Phi, Mỹ Latinh, Trung Đông. Trước khi chiến tranh Iraq nổ ra (20/3/2003), Pháp là một trong những nước phương Tây đi đầu vận động để giải quyết vấn đề bằng biện pháp hoà bình, đề cao vai trò của LHQ. 
Quan hệ căng thẳng Pháp - Mỹ xung quanh vấn đề Irak đã được cải thiện khi ngày 22/5/2003 Pháp bỏ phiếu ủng hộ Nghị quyết 1483 của HĐBA - LHQ về việc xóa bỏ cấm vận Irak và sau cuộc gặp riêng ngày 1/6/2003 giữa Tổng thống J. Chirac và Tổng thống G. Bush trước thềm Hội nghị cấp cao G8 ở Evian (Pháp). Quan hệ Pháp - Mỹ có thể sẽ ấm lên với Tổng thống mới Sarkozy. 
3. Với châu Phi: Pháp tiến hành "đổi mới" chính sách theo hướng giảm can thiệp, mở rộng quan hệ ra toàn lục địa và xây dựng quan hệ mang tính đối tác. 

4. Với châu Á - Thái Bình Dương: Dưới nhiệm kỳ của Tổng thống J. Chirac từ đầu 1996, Pháp điều chỉnh chính sách đối với khu vực mà Pháp cho là có nhiều tiềm năng phát triển này. Pháp chủ trương tăng cường quan hệ với khu vực này trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, an ninh, văn hoá, khoa học kỹ thuật, môi trường, năng lượng, chống tội phạm có tổ chức... Về kinh tế-thương mại, Pháp đặt mục tiêu tăng gấp 3 thị phần của mình tại châu Á trong 10 năm tới (hiện mới chiếm 2%). Về chính trị, thiết lập sự đối thoại chính trị thường xuyên giữa Pháp và các nước lớn trong khu vực như Trung Quốc, Nhật, mong ASEAN trở thành trụ cột thứ 4 ở châu á bên cạnh Trung Quốc, Nhật Bản và ấn Độ trong việc duy trì ổn định và hoà bình ở khu vực. 

5. Với Liên Hợp Quốc: Pháp đề cao vai trò của LHQ, tích cực tham gia các hoạt động can thiệp của LHQ trong các cuộc xung đột khu vực, cử quân đội tham gia lực lượng của LHQ ở Nam Tư, Li-băng, Campuchia, Somalie và Iraq trong chiến tranh vùng Vịnh 1991. Pháp là nước có số quân đông nhất tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình của LHQ (gần 10.000 người). 

6. Chính sách quốc phòng: Trong chiến lược quốc phòng sau chiến tranh lạnh, Pháp chủ trương xây dựng lực lượng quốc phòng trong khuôn khổ đa phương (trong NATO, trong Liên minh Tây Âu (UEO), hay trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc) và trong khuôn khổ các Hiệp định song phương với các nước (đặc biệt với các nước châu Phi). Pháp thực hiện cải cách quốc phòng nhằm xây dựng một quân đội chuyên nghiệp, từ 2002 bãi bỏ chế độ nghĩa vụ quân sự, thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự tự nguyện; cắt giảm ngân sách và quân số, xây dựng quân đội dựa trên 4 lực lượng: răn đe hạt nhân, phòng ngừa, triển khai nhanh và bảo vệ an ninh trong nước. Cải cách quân đội đi đôi với tổ chức lại nền công nghiệp quốc phòng để có khả năng cung cấp cho quân đội những vũ khí hiện đại nhất và tham gia xây dựng nền công nghiệp quốc phòng châu Âu, tăng sức cạnh tranh trên thị trường vũ khí thế giới./. 

TÓM TẮT QUAN HỆ VIỆT NAM – PHÁP 
I/ Quan hệ chính trị 
Việt Nam và Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp Đại sứ ngày 12/4/1973. 
Quan hệ chính trị phát triển tốt đẹp, hai bên thường xuyên trao đổi đoàn, kể cả cấp cao nhất. Đáng lưu ý nhất trong những năm vừa qua là chuyến thăm Pháp của Tổng bí thư Lê Khả Phiêu (5/2000), Chủ tịch nước Trần Đức Lương (2002), của Tổng thống J. Chirac tới Việt Nam nhân cấp cao ASEM 5 (10/2004), của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh sang Pháp (6/2005), của Chủ tịch Thượng viện Pháp Poncelet sang Việt Nam (6/2005). 
Qua các chuyến thăm song phương, lãnh đạo cấp cao Pháp khẳng định muốn đẩy mạnh quan hệ nhiều mặt với Việt Nam, trước hết về kinh tế, văn hóa và giáo dục đào tạo nhằm duy trì và tăng cường vị trí hiện có của các doanh nghiệp Pháp trước cạnh tranh ngày càng lớn ở thị trường Việt Nam và khu vực; mong Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi để các công ty vừa và nhỏ của Pháp tăng cường đầu tư tại Việt Nam; mong chia sẻ quan điểm của Pháp về thế giới đa cực, đa dạng văn hóa trong một thế giới toàn cầu hóa. Pháp coi trọng, tranh thủ Việt Nam, trong quan hệ song phương tránh nêu những vấn đề gay cấn trong quan hệ như dân chủ, nhân quyền. Việt Nam đã tranh thủ được Pháp với vai trò đầu tầu trong EU, ủng hộ và phối hợp với Việt Nam tổ chức thành công ASEM 5, củng cố và tăng cường quan hệ Việt Nam – EU, hỗ trợ Việt Nam gia nhập WTO, ủng hộ Việt Nam ứng cử vào ghế ủy viên không thường trực HĐBA – LHQ khóa 2008 – 2009. 

Hai bên đã thống nhất phương châm hợp tác Việt-Pháp theo phương châm “hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, lâu dài, tin cậy trong thế kỷ 21”. Đối thọai chiến lược giữa hai nước đã được thiết lập và đi vào thực chất. Nhân chuyến thăm Pháp 2005 của TBT Nông Đức Mạnh, hai bên quyết định thành lập Hội đồng cao cấp vì sự phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam – Pháp. Phiên họp đầu tiên của Hội đồng đã họp tại Paris tháng 10/2006 và sẽ họp phiên thứ hai vào mùa thu 2007. 
Một số hiệp định đã ký kết : 
- Hiệp định khung về hợp tác kinh tế, văn hoá - KHKT (1989), 
- Hiệp định khuyến khích và bảo đảm đầu tư (1992), 
- Hiệp định hợp tác y tế (2/1992), 
- Hiệp định tránh đánh thuế trùng (1993), 
- Hiệp định hợp tác về dược (3/1994), 
- Hiệp định hợp tác về du lịch (1996), 
- Thỏa thuận giữa hai Bộ trưởng Quốc phòng về quan hệ giữa hai Bộ Quốc phòng (8/1997), 
- Hiệp định hợp tác hàng không, 
- Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, 
- Hiệp định con nuôi (2000) 
- Hiệp định hợp tác khoa học công nghệ (2007) 
II/Quan hệ kinh tế 
1. Hỗ trợ phát triển 
Việt Nam là một trong ít nước được hưởng cả ba kênh viện trợ tài chính của Pháp là viện trợ phát triển chính thức từ ngân khố và cho vay ưu đãi từ Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và từ Quỹ Đoàn kết ưu tiên (FSP). Việt Nam hiện đứng thứ 7 trong số các nước hưởng ODA của Pháp. Đến nay, Pháp đã cấp cho Việt Nam tổng số vốn trên 1,2 tỷ euro cho trên 210 dự án. Trong những năm gần đây, Pháp đã liên tục cam kết tăng ODA cho Việt Nam, năm sau cao hơn năm trước (2002: 103 triệu euro, 2003: 106 triệu; 2004: 334,4 triệu ; 2005: 339,8 triệu; 2006:281 triệu trong đó có 34 triệu không hoàn lại). Đặc biệt trong chuyến thăm làm việc tại Việt Nam của Bộ trưởng Đặc trách Hợp tác và Pháp ngữ Pháp tháng 9/2006, phía Pháp tuyên bố cam kết dành cho Việt Nam khoản ODA 1,4 tỷ euro cho giai đoạn 2006-2010 để tài trợ các dự án trong các lĩnh vực ưu tiên nêu trong Tài liệu khung về đối tác Việt Nam – Pháp 2006-2010 như hạ tầng, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, nông nghiệp và an toàn thực phẩm, dịch vụ, ngân hàng và tài chính. 
Pháp đã định hướng hợp tác trung hạn với Việt Nam, tập trung thế mạnh của Pháp vào 4 lĩnh vực ưu tiên : 
- Hỗ trợ Việt Nam cải cách pháp luật và chính trị 
- Hỗ trợ chương trình hiện đại hóa hệ thống giáo dục và nghiên cứu. 
- Hỗ trợ chuyển đổi nền kinh tế. 
- Góp phần giảm nghèo, cải thiện phúc lợi xã hội qua việc tham gia vào các hoạt động y tế cộng đồng. 
2.Trao đổi thương mại 
Trong những năm gần đây, kim ngạch trao đổi thương mại Việt - Pháp tăng liên tục(khoảng 10-15%/năm), đưa Pháp trở thành một trong những bạn hàng lớn nhất của Việt Nam ở Tây Âu. Năm 2003 buôn bán hai chiều đạt 1,3 tỷ euro - trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Pháp 890 triệu euro và nhập từ Pháp hơn 400 triệu euro. Năm 2004, 1,4 tỷ euro, Việt Nam xuất sang Pháp tiếp tục tăng khoảng 10% . Năm 2005, lần đầu tiên Việt Nam xuất trên 1 tỷ euro sang Pháp trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 1,5 tỷ euro. Năm 2006, kim ngạch hai chiều tiếp tục tăng khoảng 10% đạt khoảng 1,6 tỷ euro. 
3. Đầu tư 
Pháp luôn là một trong những nước đầu tư nước ngoài hàng đầu ở Việt Nam, đứng đầu các nước Châu Âu và đứng thứ 7 trong tổng số 74 nước và lãnh thổ đầu tư ở Việt Nam. Tính đến 3/2006, Pháp đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn cam kết khoảng 2,2 tỷ euro (trong đó đã thực hiện khoảng 1,19 tỷ euro) cho trên 176 dự án. Đầu tư của Pháp tập trung chủ yếu vào công nghiệp nặng, giao thông, bưu điện, được phân bố tại 30 tỉnh và thành phố . 
4. Hợp tác văn hoá, khoa học và kỹ thuật 
Hàng năm, Pháp duy trì ngân sách hợp tác dành cho Việt Nam trị giá khoảng 10 triệu euro, tập trung vào các lĩnh vực giảng dạy ngôn ngữ, cải cách hành chính, xây dựng luật pháp, tài chính, ngân hàng, đào tạo cao học về quản lý kinh tế, luật, hàng không. Hiện hàng năm Pháp cung cấp cho ta khỏang 100 học bổng cao học, tập trung vào một số lĩnh vực như y tế, quy họach đô thị, hiện tại Pháp có khoảng 4000 sinh viên đang học tập. 
Hợp tác trong lĩnh vực đào tạo cán bộ KHKT, nghiên cứu khoa. Ngày 1/1/2006, Việt Nam đã ban hành quy chế hoạt động và cho phép Trung tâm Hợp tác Quốc tế về Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Pháp (CIRAD) và Viện Nghiên cứu và Phát triển Pháp (IRD) lập văn phòng đại diện tại Việt Nam. 
Liên hoan nghệ thuật Huế được tổ chức lần đầu vào tháng 4/2000 với sự tài trợ và tham gia tích cực của Pháp đã được tổ chức tới lần thứ 4 và trở thành một họat động văn hóa quốc tế. 

Bên cạnh các kênh hợp tác truyền thống nêu trên, hợp tác giữa các địa phương hai nước (hợp tác phi tập trung) ngày càng phát triển và đi vào chiều sâu. Hiện có 52 địa phương (Vùng, Tỉnh) của Pháp là đối tác với 54/tỉnh, thành phố vủa Việt Nam, với 657 dự án (trong đó 257 đã kết thúc, 400 đang hoạt động) và 567 đối tác Pháp và 441 đối tác Việt Nam. Hội nghị hợp tác Phi tập trung lần thứ 6 được tổ chức lần đầu tại Việt Nam năm 2005. Hội nghị lần thứ 7 sẽ được tổ chức tại Pháp 10/2007. 
5. Các hoạt động hợp tác khác 
- Pháp ngữ : Đều là thành viên của tổ chức Pháp ngữ, hai nước có nhiều hoạt động hợp tác trong khuôn khổ tổ chức Pháp ngữ, đặc biệt trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Pháp, giảng dạy đại học, các hoạt động nghị viện… 
- Hợp tác ba bên : Giữa Việt Nam, Pháp với một tổ chức tài trợ và một số nước châu Phi như Mali, Senegal trong cách lĩnh vực nông nghiệp, y tế… đã thu được những kết quả tốt và được các nước thụ hưởng hoan nghênh, đề nghị nhân rộng. 
Nguồn: (http://www.mofa.gov.vn/vi/)