Tin nóng
MÔ HÌNH DÂN VẬN VẬN KHÉO CỦA CHI HỘI VIỆT – MỸ CHÙA PHẬT QUANG
Ngày: 10.03.2020

Năm 2019, Chi Hội Việt Mỹ Chùa Phật Quang tiếp tục duy trì và phát huy mô hình dân vận khéo. Cụ thể, chi hội đã vận động và kêu gọi xã hội hóa trong nội bộ phật tử của chùa cũng như trong tỉnh và kiều bào, tài trợ xây dựng mô hình dân vận khéo có tên “NUÔI DẠY TRẺ EM CÓ HOÀN CẢNH ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN”.

Đây là mô hình nhằm giúp trẻ em từ độ tuổi mẫu giáo đến đại học, được nuôi dưỡng tại Trung Tâm Từ Thiện Xã Hội Phật Quang (TTTTXHPQ). Hiện nay TTTTXHPQ đang nuôi dạy trên 200 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không nơi nương tựa. Bên cạnh việc nuôi dạy các em học sinh các cấp, Trung tâm còn vận động xã hội hóa xây dựng một điểm trường tiểu học, đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, dụng cụ học tập, tạo môi trường sạch sẽ, thoáng mát cho các em học tập và sinh hoạt; giáo dục và và nuôi dưỡng các em trở thành nhửng công dân tốt cho xã hội.

 

             Bữa ăn của các em học sinh tại TTTTXHPQ

Năm 2019, Ban Giám đốc Trung Tâm từ thiện xã hội Phật Quang và nhà chùa vận động, tài trợ nuôi dạy trẻ em và hoạt động từ thiện nhân đạo trên 10 tỷ đồng. Để đạt chỉ tiêu do đã đề ra, Chi Hội hữu nghị Việt- Mỹ chùa Phật Quang đã tìm nhiều biện pháp hoạt động và vận động thích hợp và hiệu quả, trong đó có biện pháp quan trọng là vận động hội viên kêu gọi thân nhân ở nước ngoài và các nhà hảo tâm trong nước cùng hướng về quê hương, tài trợ giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và những người nghèo khó. Chi hội Việt-Mỹ Chùa Phật quang xem đây là mô hình “Dân Vận khéo”. Đạt được một số kết quả của mô hình hình này, Chi hội rút ra những kinh nghiệm quí báu như sau:

Một là,luôn quan tâm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vừa có chiều sâu và chiều rộng đến thân nhân kiều bào và các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, nhằm chia sẻ những thông tin chung và cần thiết; việc quản lý giáo dục và nuôi dạy trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với nhiều lứa tuổi và hoàn cảnh khác nhau, TTTTXHPQ gặp khó khăn rất lớn, phải phấn đấu vượt qua. Năm 2019, Chi Hội đã tiếp và gặp gỡ bà con Kiều bào về thăm quê hương trên 700 lượt người. Qua giới thiệu về công tác từ thiện, nhân đạo của Giáo Hội, nhất là công tác nuôi dạy trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhiều bà con kiều bào đóng góp tịnh tài, tịnh vật rất thiết thực.

Hai là, Phối hợp cả hệ thống để thông tin truyền thông, giới thiệu mô hình nuôi dạy trẻ em tại TTTTXHPQ, khơi dậy được các giá trị trong giáo dục Phật Giáo, cũng như giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc ta “Lá lành đùm lá rách”, “Thương người như thể thương thân”…Với phương châm: “Trăm nghe không bằng một thấy”, Chi Hội luôn tạo mọi điều kiện để bà con kiều bào và các nhà hảo tâm thăm, tìm hiểu các hoạt động của Trung Tâm và giới thiệu được những đóng góp rất quan trọng của bà con phật tử và kiểu bào, vào việc phát triển cơ sở nuôi dạy trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hiện nay. Qua đó, bà con thấy được việc nuôi dạy các cháu tại TTTTXHPQ thuộc nhóm yếu thế trong xã hội, rất dễ mắc vào các tệ nạn xã hội; do vậy các cháu cần được nuôi dạy phát triển toàn diện về thể chất và đạo đức, tinh thần, góp phần xây dựng con người Việt Nam trong thời đại hiện nay là rất thiết thực. Hiệu quả hoạt động đã đóng góp tích cực cho công tác an sinh xã hội và góp phần phát triển kinh tế bền vững cho địa phương.

        Ba là, Mô hình “Dân Vận khéo” được Thượng tọa Thích Minh Nhẫn Giám đốc TTTTXHPQ, thường xuyên quan tâm chỉ đạo, coi trọng việc xây dựng mô hình “Dân Vận khéo”, để giúp cho công tác nuôi dạy trẻ em được lan tỏa, làm mô hình điểm và khẳng định chọn cách đầu tư cho công tác nuôi dạy trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là việc làm nhân văn trong thực hiện chủ trương xã hội hóa cho công tác này.

          Với vai trò là Giám đốc TTTTXHPQ, Thượng tọa Thích Minh Nhẫn đã đúc kết: Để phát triển bền vững, cần tiếp tục nâng cao chất lượng mô hình “ Dân Vận khéo”.  Năm 2019, công tác xây dựng mô hình “Dân Vận khéo” là một trong những điểm nhấn quan trọng, góp phần xây dựng TTTTXHPQ ngày càng phát triển bền vững.Trong năm tới, Trung tâm sẽ tăng cường và củng cố mô hình “NUÔI DẠY TRẺ EM CÓ HOÀN CẢNH ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN” hơn nữa, nhằm phát huy tốt các nguồn lực trong Phật Giáo, trong đó sự tài trợ đóng góp của phật tử và bà con kiều bào là nhân tố rất quan trọng./.